Nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu - Kỳ II: Chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh

Thứ hai, 28 Tháng 12 2015

Chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh, xuất khẩu (XK) gạo bằng cách liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) XK được cho là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng gạo XK.

Nông dân sẽ hưởng lợi lớn khi liên kết với doanh nghiệp XK gạo

Campuchia – một trong những quốc gia liên tục lọt Top quốc gia có gạo ngon nhất thế giới- đã phát triển thương hiệu gạo bằng cách chọn lựa kỹ càng giống lúa, sau đó cấp vốn cho 8 DN đầu tư vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến để sản xuất ra loại gạo có chất lượng. Gạo được một ủy ban kiểm tra uy tín thẩm định kỹ trước khi đưa ra thị trường.

Việt Nam, trước đây, theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế đều được XK gạo, không quy định điều kiện kinh doanh. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - nhận định: Bên cạnh sự tự do, thông thoáng, cơ chế này cũng bộc lộ nhiều bất cập khi nhiều DN chỉ tham gia XK khi thị trường thuận lợi. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tới mùa thu hoạch nếu thị trường khó khăn, nông dân lại rơi vào tình cảnh “được mùa, rớt giá”.

Khắc phục tình trạng này, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/ 2010 về kinh doanh XK gạo, nhằm thiết lập hành lang pháp lý khắc phục các bất cập, hạn chế trong hoạt động kinh doanh XK gạo. Nghị định yêu cầu doanh nhân phải có kho chứa, cơ sở xay xát mới được cấp giấy chứng nhận là thương nhân XK gạo. Quá trình thực hiện nghị định đến nay cho thấy: Việc quy định các điều kiện kinh doanh XK gạo đã phát huy tác dụng tích cực, sàng lọc những thương nhân có năng lực, định hướng đầu tư lâu dài phục vụ lĩnh vực kinh doanh XK gạo. Mặt khác, thương nhân kinh doanh XK gạo cũng góp phần tích cực tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, góp phần bảo đảm ổn định thị trường lúa gạo trong nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực, một số vấn đề hạn chế đã nảy sinh sau khi áp dụng nghị định như: Nhiều thương nhân tiếp tục đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát để được cấp giấy chứng nhận, gây lãng phí cho đầu tư xã hội. Số lượng thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận ngày càng tăng trong khi năng lực, hiệu quả hoạt động kinh doanh XK gạo còn hạn chế.

Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 606/QĐ-BCT ngày 21/1/2015. Quyết định nêu rõ, DN ngoài tiêu chí hạ tầng như kho chứa, dây chuyền sản xuất phải thêm cả lộ trình vùng nguyên liệu.

Quy định trên mang lại những lợi ích cụ thể, bền vững khi liên kết người nông dân và DN theo hướng cùng có lợi. Nông dân không lo được mùa rớt giá, DN yên tâm về nguồn gạo. Đặc biệt, kết nối giữa DN và nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sẽ giúp sản xuất ra những loại gạo thị trường thực sự có nhu cầu vì DN là người hiểu rõ nhất thị trường muốn gì.

Quốc Bửu (Theo baocongthuong)