Thủy sản là mặt hàng đạt kim ngạch cao trong năm 2015
Xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo
Hai mặt hàng chính góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của ĐBSCL năm 2015 là thủy sản và lúa gạo. Trong đó, lúa gạo xuất khẩu trên 6,2 triệu tấn với kim ngạch gần 2,7 tỷ USD. Dù lúa gạo không đạt giá trị cao như kỳ vọng nhưng trong bối cảnh giá thế giới liên tục sụt giảm, con số trên được cho là khá khả quan.
Với thủy sản, năm qua, ĐBSCL đưa gần 800 nghìn ha mặt nước vào nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt 3,8 triệu tấn, thu về 4 tỷ USD. Riêng cá tra, các DN chế biến đang chủ động chuyển dần sang làm chủ khâu sản xuất nguyên liệu, thông qua tự đầu tư vùng nuôi hoặc liên kết với người nuôi. Khoảng 2.800ha nuôi cá tra đã đạt các chứng nhận bền vững, trong đó, 2.000 ha đạt chứng nhận GlobalGAP.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, trong bức tranh chung về xuất khẩu toàn vùng, mặt hàng thủy sản chính là điểm sáng giúp giá trị kim ngạch tăng cao. Trong đó, Cà Mau là địa phương dẫn đầu về xuất khẩu thủy sản với kim ngạch đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL. Ngoài Cà Mau, một số địa phương khác như: An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu… cũng đạt kim ngạch cao về xuất khẩu thủy sản trong năm 2015.
Hình thành mối liên kết bền vững
Theo ông Huỳnh Trung Trứ - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ- việc tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng gạo, thủy sản rất cần thiết. Đây là những mặt hàng chiến lược, có lợi thế của các tỉnh ĐBSCL. Ông Hoàng Trung Trứ cho rằng, để làm được điều này, các cấp, ngành chức năng cần hoạch định ngay chiến lược phát triển xuất khẩu trong tình hình mới gắn với giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết- Giám đốc Sở Công Thương An Giang- chia sẻ: Để tăng thêm giá trị cho hàng xuất khẩu, năm 2016, các DN tại An Giang sẽ hướng mạnh tới việc cải tiến trong khâu thiết kế sản phẩm và thực hiện phối hợp liên kết giữa DN với nông dân. Hiện An Giang đã có những mô hình thành công như: Cánh đồng lớn do Công ty Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện; chuỗi sản xuất cá tra tại Công ty Tafishco… Do đó, Sở Công Thương ngoài việc tạo thuận lợi cho các đơn vị này sẽ khuyến khích DN mới tham gia vào hoạt động tương tự.
Với tỉnh Đồng Tháp, bà Lê Thị Kiều Trang- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp- cho biết: Năm 2016, Đồng Tháp chủ trương và khuyến khích nông dân tiếp tục tham gia vào tổ hợp tác để liên kết với DN thủy sản. Trong chuỗi này, DN đầu tư thức ăn, vốn; nông dân giao cá nguyên liệu đạt chất lượng xuất khẩu. Hiện nay, một trong những mô hình hiệu quả của tỉnh là chuỗi liên kết tạo giá trị cao của Công ty Hùng Cá với 300 hộ nông dân địa phương. Nhiều ao nuôi trong chuỗi của Công ty Hùng Cá đã thu hoạch với mức lợi nhuận chênh lệch so với nuôi nhỏ lẻ từ 48,7 – 57,4 triệu đồng/ha/vụ.
Quốc Bửu (Theo baocongthuong)