Kiên Giang được xác định là ngư trường rộng lớn, diện tích mặt nước biển khoảng 63.290 km2, với bờ biển dài hơn 200km, có khoảng 137 hòn/đảo; trong đó, 43 đảo có cư dân sinh sống, tạo nên 5 quần đảo giàu tiềm năng kinh tế trên mặt đại dương; có ranh giới quốc gia trên biển giáp với các nước Campuchia, Thái Lan và Malaixia. Kiên Giang được xác định là 1 trong 4 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng và lợi thế về biển đảo đa dạng, phong phú; đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế biển của tỉnh.
Qua 5 năm tổ chức thực hiện Chương trình số 367/CTr-UBND, tình hình KT-XH vùng biển, ven biển và hải đảo có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển giai đoạn 2011-2015 đạt 11,4%/năm (giá cố định năm 1994); trong đó, nông lâm thủy sản 6,7%; công nghiệp xây dựng 10,7% và dịch vụ 14,9%. Tỷ trọng GDP kinh tế biển chiếm 73,3% GDP toàn tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 3.154 USD tăng gần 2 lần năm 2010.
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 đạt 111.000 tỷ đồng, bằng 80% vốn đầu tư toàn tỉnh; tổng lượng khách du lịch năm 2015 đạt 4,365 triệu lượt, tăng 50,9% so năm 2010; khối lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa giai đoạn 2011-2015 bằng đường bộ, đường biển tăng bình quân 13%/năm; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng năm 2015 đạt 647.125 tấn, tăng 3,5 lần so năm 2010; kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 137,7 triệu USD, tăng 18,15% so năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 3,34%/năm. Cơ sở hạ tầng KT-XH vùng biển, ven biển và hải đảo đã được quan tâm đầu tư. Hoàn thành một số công trình trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, đường tránh thành phố Rạch Giá, cầu sông Cái Lớn, Cái Bé, đường điện ra đảo Phú Quốc và đảo Hòn Tre; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61; đưa vào sử dụng một số cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão như: Lình Huỳnh, Hòn Tre, Thổ Châu, An Thới, đê chắn sóng và nạo vét luồng cửa sông Dương Đông. Khởi công đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn,… kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN), tăng cường hợp tác quốc tế; gắn phát triển kinh tế biển với giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, chăm sóc sức khỏe nhân dân… Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng từng bước được nâng lên khá rõ nét, giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực, mạng lưới trường lớp được mở rộng đến khu vực biên giới, biển đảo.
Thành tựu phát triển kinh tế biển của tỉnh ta trong 5 năm qua còn một số hạn chế đó là: Tốc độ tăng trưởng còn chậm; chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế tài nguyên biển của tỉnh, việc khai thác và nuôi trồng thủy sản chưa ổn định và bền vững; tiềm năng mặt nước ven biển còn lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả; môi trường sinh thái vùng biển, ven biển diễn biến ngày một xấu, một số nơi ô nhiễm nặng, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, khả năng tái tạo thấp; cơ sở hạ tầng nói chung du lịch nói riêng phát triển chậm và chưa đồng bộ…; tình hình an ninh trật tự vùng biển, đảo từng lúc còn diễn biến phức tạp, tình trạng khai thác thủy sản vi phạm pháp luật trong và ngoài nước còn phổ biến chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Năm 2015, UBND tỉnh tổng kết thực hiện Chương trình số 367/CTr-UBND, ngày 15/8/2012 về phát triển kinh tế biển Kiên Giang giai đoạn 2011-2015; theo đó, Chương trình phát triển kinh tế biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015-2020 đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội X, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2015-2020./.