Toàn cảnh hội nghị
Ngoài ra, hội nghị còn đưa ra các biện pháp huy động nguồn lực xã hội và tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong công tác xúc tiến du lịch; Xác định các nhiệm vụ ưu tiên nhằm tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến du lịch; Định hướng và triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch theo kế hoạch năm 2018 và những năm tiếp theo.
Du lịch được xác định góp phần quan trọng nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 7,19% của khu vực dịch vụ và tăng trưởng 6,7% GDP năm 2017. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã giao chỉ tiêu cho ngành du lịch phấn đấu bảo đảm tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt ít nhất 30%, khách du lịch nội địa tăng 12% đồng thời chỉ đạo ngành du lịch thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm tăng trưởng khách du lịch và chất lượng phát triển du lịch.
Để hoàn thành mục tiêu trên, hoạt động xúc tiến, quảng bá được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, về phía các địa phương yêu cầu tiếp tục chủ động đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch 5 tháng cuối năm; tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch của địa phương. Các địa phương trọng điểm du lịch cần xây dựng chương trình tăng tốc xúc tiến du lịch phối hợp cùng Tổng cục Du lịch từ nay đến cuối năm.
Còn đối với các điểm đến du lịch, cần tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch, tạo môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn, văn minh cho khách du lịch, khai thác tối đa tiềm năng và sản phẩm đặc thù, có lợi thế để thu hút khách du lịch. Thực hiện tốt việc chấn chỉnh hoạt động dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyến và hướng dẫn du lịch đảm bảo chất lượng ngay cả khi khách du lịch tăng lên.
Phía các doanh nghiệp khuyến khích đẩy mạnh khai thác các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm, duy trì tốc độ phát triển của thị trường như: thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Âu, Nga; quảng bá và hướng khách du lịch Trung Quốc về một số điểm đến mới ở Bắc Trung bộ, Bắc bộ hoặc Phú Quốc.
Bên cạnh đó, theo đại diện Tổng cục Du lịch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 và những năm tiếp theo, đó là: Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá thì nhất thiết phải coi trọng thực hiện nghiên cứu thị trường, cập nhật biến động thị trường làm cơ sở cho mọi chương trình hành động xúc tiến quảng bá.
Đổi mới căn bản cả về nội dung và phương thức tổ chức thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch; trong đó phát huy vai trò của hội đồng tư vấn du lịch để triển khai mô hình hợp tác công, tư trong quảng bá xúc tiến du lịch; thúc đẩy quá trình hình thành và đi vào hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Đồng thời, tổ chức hiệu quả các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường; tổ chức đón các đoàn FAM cho các hãng lữ hành, báo chí; kết nối với các hãng hàng không. Sử dụng hiệu quả hơn các hoạt động e-marketing (trang website, các trang mạng xã hội, ứng dụng cho thiết bị cầm tay)…
Với những định hướng nêu ra tại hội nghị, ngành du lịch kỳ vọng với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp sẽ biến thành chương trình hành động cụ thể, triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp tạo bước đột phá thúc đẩy và nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong thời gian tới.
Văn phòng (Nguồn Báo Công thương)