lỗi
  • JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 273

Xúc tiến du lịch: Tiến tới chuyên nghiệp

Thứ hai, 14 Tháng 8 2017

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái tại Hội nghị Xúc tiến du lịch 2017 mới đây, nhằm nâng cao hiệu quả của ngành du lịch, đồng thời đạt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 30%, đón ít nhất 13 triệu lượt khách trong năm 2017. 

Quảng bá du lịch cần sự đột phá

Quảng bá kiểu"dạo chơi"

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá, quảng bá, xúc tiến du lịch thời gian qua đã từng bước tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam ở những sân chơi lớn trên thế giới; ngày càng chủ động hơn trong việc định vị "Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn", tạo hiệu ứng tốt trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. 

Việc không có cơ quan quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia, chưa mở được văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm được cho là điểm nghẽn. Đặc biệt, kinh phí eo hẹp là rào cản lớn nhất khiến hoạt động này chưa có sự đột phá. Cho nên, Việt Nam chỉ thu hút khách tầm trung (khoảng 1,114 USD/1 khách quốc tế/1 chuyến). Trong khi đó, Thái Lan, Indonesia và Philippines thu hút được khá đông lượng khách cao cấp.

"Tuy đạt được lượng khách không ít, song ngân sách dành cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam mới chỉ khoảng 2 triệu USD là rất thấp so với các nước ASEAN, như Thái Lan dành hơn 60 triệu USD, Indonesia dành tới 200 triệu USD" - ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) so sánh. Còn ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng, với 2 triệu USD, Việt Nam mới chỉ "dạo chơi" với quảng bá, xúc tiến du lịch.

Và câu hỏi đặt ra

Câu hỏi đặt ra là làm gì để tăng hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch trong điều kiện khó khăn về kinh phí? Nhiều ý kiến cho rằng, xúc tiến cần gắn với thị trường cụ thể, theo thương hiệu quốc gia và các chuỗi liên kết vùng du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp; tái thành lập Cục Xúc tiến du lịch; đẩy mạnh đào tạo lao động, thu hút thêm nhiều chuyên gia tham gia vào lĩnh vực này…

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch là hoạt động trọng tâm để ngành du lịch hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao. Hiện, ngành du lịch đã đưa ra 4 nhóm giải pháp cả trước mắt và lâu dài, đó là: Tăng cường hiệu quả và tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến ở trong và ngoài nước; phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại công tác thống kê, cập nhật đầy đủ khách đường bộ và đường biển; đảm bảo an ninh, an toàn, cải thiện môi trường du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch; mở rộng kết nối hàng không.

Về giải pháp ngắn hạn, ông Vũ Thế Bình đề xuất: Cần lựa chọn những thị trường để kích thích tăng trưởng. "Trong 6 nước ASEAN, chúng ta đón 1,3 triệu lượt; nhưng người Việt Nam đến 6 nước ASEAN này là trên 3 triệu lượt. Vì thế, cần phải tập trung khai thác mạnh thị trường ASEAN, cân bằng số lượng khách Việt Nam đến các nước ASEAN và khách ASEAN đến Việt Nam" - ông Bình kiến nghị.

Đại diện TAB, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, Chính phủ cần giải ngân ngay Quỹ 200 tỷ đồng cho các hoạt động xúc tiến du lịch năm 2017. Hiện, TAB đã thành lập câu lạc bộ nhà đầu tư chiến lược và doanh nghiệp hàng đầu. Theo đó, từ nay đến năm 2020, TAB sẽ huy động và cam kết đóng góp 70 tỷ đồng vào Quỹ quảng bá xúc tiến du lịch; sẵn sàng tham dự vào Hội đồng xúc tiến du lịch quốc gia nếu được đề nghị; TAB cam kết sẽ chuẩn bị nguồn lực thường xuyên cho hoạt động mạng xã hội.

Từ nay đến tháng 12/2017, ngành du lịch sẽ tổ chức và tham gia hàng loạt sự kiện giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng; đón các đoàn famtrip đến từ các thị trường lớn.