Ý có đường biên giới đất liền tổng cộng 1.836 km, trong đó giáp với Áo 404 km (phía Bắc), với Pháp 476 km, với Vatican 3 km (trong lòng thủ đô Roma của Ý), với San Marino 37 km (trong lòng Ý), với Slovenia 218 km (phía Bắc), với Thụy Sỹ 698 km (phía bắc).
Với dân số 62 triệu người (tính đến tháng 7/2016), là nước có dân số lớn thứ 24 thế giới.
Hoạt động của ngành công nghiệp Ý được tập trung ở miền bắc, chạy dài từ Turin ở phía Tây xuyên suốt Milan đến Venice ở phía Đông. Đây là một trong những vùng có nền công nghiệp và là vùng thịnh vượng nhất trong khu vực châu Âu và chiếm hơn 50% tổng thu nhập quốc gia. Trong khi đó, vùng phía Nam của Ý, còn được gọi là “Mezzogiono” kém phát triển hơn. Ý là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và sử dụng đồng Euro là đồng tiền chung của quốc gia.
Cơ hội thị trường
Đặc điểm kinh tế của Ý là các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nên tảng, đóng góp tới 2/3 GDP. Các doanh nghiệp này tuy năng động hiệu quả nhưng phần lớn không đủ sức mạnh vươn ra nước ngoài. Một đặc điểm đáng kể nữa là các doanh nghiệp Ý phân bố trên toàn bộ 20 vùng lãnh thổ, mỗi vùng đều có Phòng thương mại tổ chức xúc tiến thương mại theo ngành.
Theo dự báo của Cơ quan Thống kê Quốc gia Italia (Istat), năm 2016, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italia sẽ tăng 1,1%. Nhu cầu nội địa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế 1,3 điểm phần trăm tăng trưởng GDP năm 2016. Xuất khẩu sẽ tăng 1,7% và nhập khẩu tăng 2,3%.
Thương mại song phương giữa Việt Nam và Ý
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ý đã tăng trưởng liên tục trong suốt những năm qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 14% trong giai đoạn 2011 – 2015.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ý bao gồm thiết bị điện tử, máy móc, giày dép, trà cà phê, thủy sản, hàng may mặc, đồ nội thất và nông sản khác...Tổng giá trị hàng nhập khẩu của Ý từ Việt Nam chiếm khoảng 0,7% trong tổng lượng nhập khẩu của Ý từ thế giới.
Mức tăng trưởng xuất khẩu của Ý sang Việt Nam trong suốt giai đoạn 2011 – 2015 đạt mức trung bình hàng năm là 14%. Lượng hàng xuất khẩu sang Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Ý ra thế giới, với chỉ 0,3%.
Nhiều thành viên thuộc khối EU vẫn duy trì một danh mục các loại hàng hóa bắt buộc phải có giấy phép nhập khẩu của riêng họ.
Tham khảo thêm tại địa chỉ http://www.export.gov/mrktresearch/index.asp.
Phòng Xúc tiến Du lịch và Thông tin