Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 7 tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Cụm có diện tích 23.978 km², chiếm 59,1% diện tích của Vùng ĐBSCL; dân số hơn 9.211.300 người chiếm 52,4% dân số của Vùng ĐBSCL. Hệ sinh thái đa dạng, những cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn được hình thành trên các điều kiện tự nhiên về sinh thái, sông nước, đồi núi, biển - đảo. Bên cạnh đó, văn hóa vùng miền độc đáo với 4 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm thể hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội dân gian, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống và tính cách con người hiền hòa, hiếu khách… hình thành nên sản phẩm du lịch thú vị, hấp dẫn du khách.
Với những tiềm năng, lợi thế đó, Cụm phía Tây ĐBSCL đã xây dựng, phát triển nhiều loại hình và sản phẩm du lịch đăc trưng gắn với liên kết vùng: du lịch sinh thái (sông, núi, biển, đảo, rừng…) du lịch sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh…với những sản phẩm, dịch vụ rất đặc trưng, qua đó liên kết hợp tác để cùng nhau phát triển.
Trãi qua thời gian phân công luân phiên các địa phương làm Cụm trưởng, ngày 22/3/2018 Sở Du lịch Kiên Giang phối hợp với Sở VHTTDL Cà Mau tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017 và triển khai Kế hoạch hoạt động năm 2018 “Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch Cụm phía Tây ĐBSCL”. Tham dự Hội nghị có Mai Văn Huỳnh - UVBTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL; đại diện lãnh đạo Sở Du lịch/Sở VHTTDL các tỉnh/thành trong Cụm các doanh nghiệp du lịch của 7 địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí.
Tại Hội nghị, Sở Du lịch Kiên Giang - Cụm trưởng năm 2017 đã báo cáo một số kết quả đạt được trong năm 2017, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình điều phối thực hiện Chương trình. Năm 2017, Kiên Giang với vai trò Cụm trưởng đã cùng với Sở VHTTDL các địa phương trong Cụm đã liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và có tiếng nói chung trong các hoạt động đầu tư, phát triển du lịch. Đồng thời đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch, là cầu nối giữa các doanh nghiệp du lịch trong Cụm. Ngoài ra, các địa phương trong Cụm đã kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp “sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau”; không ngừng nâng chất lượng sản phẩm dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới, chú trọng chất lượng nguồn nhân lực du lịch để phục vụ tốt hơn nhu cầu khách du lịch.

Bên cạnh đó, các địa phương trong Cụm đã tập trung triển khai nhiều giải pháp mới, tích cực tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện, xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết hợp tác…để thúc đẩy du lịch phát triển. Các địa phương đã căn cứ vào kế hoạch chung để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình liên kết hợp tác dựa vào thế mạnh của từng địa phương.
Kết quả tổng lượt khách đến tham quan du lịch tại các địa phương trong Cụm đạt 25.520.803 lượt khách, tăng 19% so cùng kỳ năm 2016, chiếm 73,2% trong tổng lượt khách du lịch đến ĐBSCL. Trong đó, khách quốc tế đạt 1.256.278 lượt, tăng 14,7% so với cùng kỳ, chiếm 44% trong tổng số khách quốc tế đến ĐBSCL. Doanh thu đạt trên 13.695 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ, chiếm 79,6% trong tổng doanh thu du lịch Vùng ĐBSCL.
Cũng trong hội nghị này, tỉnh Kiên Giang đã đề xuất tất cả các địa phương trong vùng ĐBSCL cùng ký kết ghi nhớ liên kết, hợp tác với nhau trong công tác phát triển du lịch. Để từ đó ngành du lịch của các địa phương trong Vùng có những bước tiến vững chắc và mạnh mẽ hơn nữa. Tạo được nền tảng thật sự trong nền kinh tế của địa phương, đóng góp ngày càng cao vào sự tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh/thành. Nhằm góp phần chung sức, từng bước đưa ngành du lịch nước ta thật sự phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW đã được Bộ Chính trị ban hành.
Thảo luận tại Hội nghị, các địa phương cho rằng chương trình liên kết hợp tác đã đóng góp phần tạo nên sức hút đối với du khách; Chương trình cũng tạo được tiếng vang trong cả nước, từ đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch hỗ trợ ĐBSCL lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và thành lập Ban điều phối chung cho cả vùng. Đây là bước chuyển mình cho du lịch ĐBSCL trong thời gian tới.

Kết thúc vai trò Cụm trưởng sau một năm với những thuận lợi và khó khăn đan xen, Sở Du lịch Kiên Giang - Cụm trưởng năm 2017 đã bàn giao vai trò Cụm trưởng mới năm 2018 cho Sở VHTTDL Cà Mau để tiếp tục điều phối thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch Cụm phía Tây khu vưc ĐBSCL. Với vai trò Cụm trưởng năm 2018, Sở VHTTDL Cà Mau đã đề ra Kế hoạch thực hiện Chương trình với các nội dung gồm: hợp tác trong quản lý nhà nước; xúc tiến quảng bá; xây dựng sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; cùng tham gia sự kiện chung và liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch trong vùng.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL chia sẻ, Kiên Giang là địa phương duy nhất thành lập Sở Du lịch ở ĐBSCL, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do Sở mới thành lập, song với vai trò trách nhiệm chung, Cụm trưởng đã điều phối Chương trình hợp tác đạt được một số kết quả nhất định. Hầu hết các nội dung hợp tác đều được triển khai thực hiện tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, một số nội dung trong chương trình liên kết hợp tác lại trùng với những chương trình kế hoạch riêng của địa phương; sản phẩm du lịch “ĐBSCL - Một điểm đến bốn địa phương +” chưa được quảng bá rộng rãi; công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực còn khó khăn do thiếu kinh phí ... Về vai trò Cụm trưởng năm 2018, Ông Phường đề nghị Sở VHTTDL Cà Mau xây dựng kế hoạch, phân công người theo dõi đôn đốc việc thực hiện Chương trình có đánh giá rút kinh nghiệm vào dịp tổng kết cuối năm.