​Cụm phía Tây ĐBSCL Sơ kết Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch

Thứ năm, 16 Tháng 8 2018
Ngày 10/8/2018, tại Tp.Bạc Liêu, Sở VHTTDL Cà Mau với vai trò là Cụm trưởng đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu tổ chức Hội nghị Sơ kết nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch của Cụm phía Tây ĐBSCL.

Đến dự Hội nghị có Bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL; đại diện Cụm trưởng Cụm phía Đông ĐBSCL - Sở VHTTDL Long An; Sở Du lịch Tp.HCM; đại diện Sở VHTTDL; Sở Du lịch; HHDL địa phương, các doanh nghiệp tiêu biểu thuộc  07 tỉnh, thành trong Cụm phía Tây ĐBSCL và các doanh nghiệp đến từ Tp.Hồ Chí Minh.
 

Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được của hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong 6 tháng đầu năm 2018 với các nội dung hợp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; xúc tiến quảng bá; quy hoạch, kế hoạch; xây dựng sản phẩm du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch… Qua 6 tháng đầu năm, chất lượng, hiệu quả các hoạt động từng bước được nâng lên, nhất là công tác tuyên truyền quảng bá du lịch; công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh, huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia. Các tỉnh, thành trong cụm liên kết đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ hơn trong công tác quản lý nhà nước cũng như công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Đồng thời, Hội nghị cũng nêu ra những hạn chế, khó khăn thách thức trong công tác kết nối giữa các tỉnh; từ đó rút kinh nghiệm và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Hội nghị cũng nhận được những ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp hoạt động du lịch tại các địa phương về liên kết sản phẩm của vùng; hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới. 

Kết quả 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách đến tham quan tại các địa phương trong cụm đạt 17.863.676 lượt, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 76,4% trong tổng lượt khách du lịch đến ĐBSCL. Trong đó, khách quốc tế đạt 676.761 lượt, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt trên 10.388 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 76,1% trong tổng doanh thu du lịch vùng ĐBSCL.

 

Trước đó, Sở VHTTDL Bạc Liêu đã tổ chức cho các công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh đi khảo sát, tìm hiểu các sản phẩm, dịch vụ tại các điểm du lịch như Khu du lịch Nhà Mát, khu Điện gió, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, thưởng thức biểu diễn nhạc ngũ âm tại chùa Xiêm Cán, Khu Vườn nhãn cổ, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu…Theo đánh giá của đoàn khảo sát, Bạc Liêu sở hữu những sản phẩm du lịch đặc thù độc đáo không bị trùng lắp với các tỉnh, thành phố trong Cụm phía tây ĐBSCL; việc khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh về du lịch văn hóa, tín ngưỡng, sinh thái và đặc biệt là loại hình du lịch năng lượng tái tạo đang giúp Bạc Liêu trở thành điểm sáng của du lịch vùng… Tuy nhiên, Bạc Liêu cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch, đầu tư tốt hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, chú ý phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, hoàn thiện hơn nữa các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách, và tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút du khách.

Cụm phía Tây đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 7 tỉnh, thành phố: Tp.Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Với diện tích 23.978 km², chiếm 59,1% diện tích của Vùng ĐBSCL; dân số hơn 9.211.300 người chiếm 52,4 % dân số của Vùng ĐBSCL. Có hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn được hình thành trên các điều kiện tự nhiên về sinh thái, sông nước, đồi núi, biển - đảo. Bên cạnh đó, văn hóa vùng miền độc đáo với 4 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, Chăm thể hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống và tính cách con người hiền hòa, hiếu khách… đã hình thành nên sản phẩm du lịch thú vị, hấp dẫn du khách.
 Sở DLKG (Trần Linh)