Tìm giải pháp phát triển du lịch Cụm phía tây đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 04 Tháng 12 2018

Sự đầu phát triển du lịch từng địa phương trong Cụm phía tây ĐBSCL chưa đồng đều, một số địa phương điều kiện, tiềm năng lớn như Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ thì phát triển mạnh, các địa phương khác thì chưa tương xứng. Do đó, việc liên kết, hợp tác để hỗ trợ nhau, cùng nhau đưa du lịch phát triển một tất yếu.


       Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 7 tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Cụm có diện tích 23.978 km², chiếm 59,1% diện tích của Vùng ĐBSCL; dân số hơn 9.211.300 người chiếm 52,4% dân số của Vùng ĐBSCL. Hệ sinh thái đa dạng, những cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn được hình thành trên các điều kiện tự nhiên về sinh thái, sông nước, đồi núi, biển - đảo. Bên cạnh đó, văn hóa vùng miền độc đáo với 4 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm thể hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội dân gian, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống và tính cách con người hiền hòa, hiếu khách… hình thành nên sản phẩm du lịch thú vị, hấp dẫn du khách.

Với những tiềm năng, lợi thế đó, Cụm phía Tây ĐBSCL đã xây dựng, phát triển nhiều loại hình và sản phẩm du lịch đăc trưng gắn với liên kết vùng: du lịch sinh thái (sông, núi, biển, đảo, rừng…) du lịch sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh…với những sản phẩm, dịch vụ rất đặc trưng, qua đó liên kết hợp tác để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, sự đầu tư phát triển du lịch ở từng địa phương chưa đồng đều, một số địa phương có điều kiện, có tiềm năng lớn như Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ thì phát triển mạnh, các địa phương khác thì chưa tương xứng. Do đó, việc liên kết, hợp tác để hỗ trợ nhau, cùng nhau đưa du lịch phát triển là một tất yếu.

Ngày 29/11/2018, tại Tp.Vị Thanh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo với chủ đề “Du lịch Hậu Giang thực trạng và giải pháp”, nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch Hậu Giang, từ đó đề ra những giải pháp cần thiết, phù hợp để du lịch Hậu Giang phát triển theo nhịp phát triển chung của các địa phương trong Cụm.  


 

Tham dự Hội thảo có ông Lữ Văn Hùng - UVTWĐảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành và UBND huyện, thị, thành phố trong tỉnh; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Sở Du lịch/Sở VHTTDL, các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư du lịch trong khu vựcĐBSCL.

Cùng với các địa phương trong Cụm phía Tây ĐBSCL, Hậu Giang cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, là nơi lưu giữ và bảo tồn các di sản văn hóa có giá trị như: chợ nổi Ngã Bảy, di tích chiến thắng Chương Thiện, chiến thắng Tầm Vu, Đền thờ Bác Hồ, Khu căn cứ Tỉnh ủy, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu; một số khu/điểm du lịch như Khu du lịch sinh thái Phú Hữu, địa điểm Cây Di sản Việt Nam (Cây Lộc Vừng), Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, Thiền Viện Trúc Lâm, công viên KittyKhu du lịch sinh thái rừng tràm Việt Úc sẽ là những điểm đến hấp dẫn cho du khách…




    Mặc dù vậy, tỷ trọng du lịch Hậu Giang còn ở mức thấp, chưa nổi trội, mờ nhạt trong du lịch Vùng và của Cụm, không có các khu/điểm du lịch lớn, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù, chưa thu hút được nhà đầu tư để khai thác tài nguyên du lịch phục vụ du khách… mà nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa hấp dẫn, công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch chưa được thực hiện thường xuyênnguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động xúc tiến du lịch còn ít, chưa liên kết với các hãng lữ hành đưa khách đến Hậu Giang…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đồng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trân trọng cảm ơn, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu với những giải pháp rất thiết thực cho tỉnh Hậu Giang trong định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới. Ông cho biết, trước mắt, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các sở, ngành và đơn vị tư vấn đề xuất các giải pháp cụ thể, để sớm đưa chợ nổi Ngã Bảy đi vào khai thác, phục vụ du lịch. Đồng thờitiếp tục tăng cường công tác xúc tiến,quảng bá du lịch, liên kết, hợp tác, phát triển sản phẩm, hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối vào hệ thống các sản phẩm du lịch chung của Cụm, từng bước đưa du lịch Hậu Giang phát triển rõ nét hơn trong thời gian tới.
 

Sở DLKG (Trần Linh)