Tham dự có bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch HHDL Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hiệp hội du lịch, các cơ quan quản lý, các Doanh nghiệp Du lịch đến từ 13 tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL, các doanh nghiệp du lịch tại các tỉnh/thành khu vực phía Bắc và các cơ quan thông tấn báo chí.


Tại hội nghị, một số doanh nghiệp du lịch cho rằng, vùng ĐBSCL còn rất nhiều tiềm năng để khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch vẫn còn nhiều điểm trùng lặp, thiếu sức hút, sáng tạo để cho du khách trải nghiệm; không tạo dấu ấn, đặc thù riêng cho từng địa phương, dễ thấy nhất là sản phẩm du lịch sinh thái và ẩm thực với tình trạng “đi một nơi biết cả đồng bằng”; tình trạng rác thải, ô nhiễm môi trường ở các chợ nổi, kênh rạch, các khu, điểm du lịch gây ấn tượng không tốt với du khách; kết cấu hạ tầng du lịch còn thiếu và yếu, các dịch vụ hiện có chưa đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng cao của du khách… Các doanh nghiệp đề nghị Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, các địa phương trong vùng cần tăng cường hơn nữa việc cung cấp, chia sẻ thông tin về các khu, điểm du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ, cơ sở lưu trú, các hãng vận chuyển…để thu hút du khách.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục Trưởng TCDL đánh giá cao sự liên kết cũng như hoạt động tích cực của Hiệp hội du lịch ĐBSCL và các địa phương trong Vùng. Phó Tổng cục Trưởng đề nghị trong thời gian tới Hiệp hội Du lịch và chính quyền các địa phương cần có những giải pháp quyết liệt để giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp; tích cực đầu tư phát triển sản phẩm thông qua việc thu hút các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp để hình thành chuỗi sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tổ chức các đoàn khảo sát cho doanh nghiệp lữ hành và báo chí, chủ động sử dụng các trang mạng xã hội, website… để quảng bá hình ảnh du lịch ĐBSCL đến du khách.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng, những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp là những vấn đề mà ngành du lịch ĐBSCL hết sức quan tâm. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ cùng với các địa phương chấn chỉnh bằng những việc làm cụ thể nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.
Dịp này, một số doanh nghiệp du lịch ĐBSCL và các doanh nghiệp khu vực Hà Nội đã ký kết văn bản liên kết, hợp tác cùng nhau phát triển.
Trước đó, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã tổ chức khảo sát điểm đến tại Tp.Hải Phòng và tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trong vùng tìm kiếm đối tác, liên kết hợp tác trao đổi nguồn khách giữa các địa phương.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực Kinh tế - Văn hóa đặc biệt quan trọng của khu vực phía Nam của đất nước; có diện tích 40.518 km2, dân số gần 18 triệu người với 4 dân tộc chính Kinh, Hoa, Khơmer và Chăm. Được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ của sông Cửu Long, với hệ thống kênh rạch cùng rừng xanh và biển đảo đã hình thành cho ĐBSCL một hệ sinh thái đa dạng, tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn. Nơi đây có 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Kiên Giang và Cà Mau; 4 vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau), Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng và Phú Quốc (Kiên Giang). Sân chim với vô số chim muông và động thực vật quý ở Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang ... ĐBSCL còn hấp dẫn du khách với nhiều vườn hoa rực rỡ sắc màu, vườn cây ăn trái bạt ngàn, trĩu quả như làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), vườn hoa kiểng ở Long An, vườn trái cây ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… Những phiên chợ nổi nhộn nhịp vào buổi sáng sớm như Cái Răng (Cần Thơ), Phụng Hiệp (Hậu Giang), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng)… những cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy, cồn Tiên (Bến Tre), cồn Mỹ Phước (Sóc Trăng), cồn Thới Sơn (Tiền Giang)… luôn chan hòa ánh nắng, thiên nhiên trong lành cũng là một nét đẹp rất đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ. Ngoài ra, những lễ hội dân gian, truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo như lễ hội vía bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội Nguyễn Trung Trực, lễ hội Ookombok đua ghe ngo, đua bò Bảy Núi … tính cách con người miền Tây hiền hòa, hiếu khách cũng là những sản phẩm du lịch thú vị hấp dẫn du khách. Đến ĐBSCL, du khách sẽ có dịp thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc trưng của vùng sông nước như cải lương, điệu múa của đồng bào Khơmer. Đặc biệt, các tỉnh ĐBSCL còn là nơi bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với những tiềm năng phong phú và đa dạng đó, năm 2018, ĐBSCL đã đón 40.745.296 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Trong đó, có 3.420.109 lượt khách quốc tế, tăng 19,8 % so với cùng kỳ. Đạt doanh thu 23.782,7 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017. |
Sở DLKG (Trần Linh)