Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, các chương trình, kế hoạch được triển khai tốt và du lịch đã trở thành điểm sáng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2019 Du lịch Kiên Giang đón 4.298.542 lượt khách, tăng 9,0% so với cùng kỳ, đạt 51,8% so với kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế gần 405.509 lượt, tăng 28,2% so với cùng kỳ, đạt 63,4% so với kế hoạch năm; doanh thu đạt trên 4.268 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ, đạt 62,4% so với Kế hoạch năm. Riêng huyện đảo Phú Quốc, đón trên 2.265.257 lượt khách, tăng 35,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế gần 392.019 lượt, tăng 35,5% so với cùng kỳ; doanh thu đạt trên 3.829 tỷ đồng, tăng 40,8% so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch có chất lượng khá tốt, đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của khách du lịch cả trong mùa cao điểm lẫn những ngày diễn ra các sự kiện lớn. Tổng số cơ sở lưu trú du lịch hiện tại là 726 cơ sở với 22.654 phòng. Trong đó, 97 cơ sở được xếp hạng 1 sao, với 1.985 phòng; 49 cơ sở được xếp hạng 2 sao, với 1.754 phòng; 8 cơ sở được xếp hạng 3 sao, với 524 phòng; 9 cơ sở được xếp hạng 4 sao, với 1.218 phòng và 10 cơ sở được xếp hạng 5 sao với 6.861 phòng; còn lại là Nhà nghỉ và các loại hình cơ sở lưu trú khác. Nhìn chung cơ sở lưu trú trong tỉnh có chất lượng khá tốt, đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch ngay trong mùa cao điểm hoặc những ngày diễn ra các sự kiện lớn.

Bãi Nhà - Kiên Hải
Hoạt động lữ hành có bước phát triển, 6 tháng năm 2019, đã cấp được 24 thẻ (03 thẻ hướng dẫn viên quốc tế, 21 thẻ hướng dẫn viên nội địa). Tổng số cơ sở lữ hành đang hoạt động kinh doanh là 101 doanh nghiệp, trong đó có 16 cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Các đơn vị kinh doanh lữ hành trong tỉnh đã tổ chức nhiều tour du lịch, phát triển các tour du lịch mới đến các đảo thuộc các quần đảo Nam An Thới, Nam Du, Hải Tặc, Bà Lụa đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách. Một số đơn vị lữ hành tại Phú Quốc đã chủ động khai thác các thị trường khách outbound bằng các chuyến bay thuê bao (charter) như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Về đầu tư du lịch đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang thu hút 300 dự án đầu tư du lịch, với tổng diện tích 10.636 ha và tổng vốn đầu tư đăng ký là 334.193 tỷ đồng; Trong đó, 189 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng quy mô 5.719 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 191.028 tỷ đồng; 43 dự án đang triển khai xây dựng với tổng quy mô 3.683 ha và tổng vốn đầu tư ước 129.639 tỷ đồng; 68 dự án đi vào hoạt động với tổng quy mô 1.235 ha và tổng vốn đầu tư ước 13.526 tỷ đồng. Riêng huyện Phú Quốc có 256 dự án đầu tư du lịch, với quy mô 9.704 ha và tổng vốn đầu tư đăng ký 327.395 tỷ đồng. Trong đó 178 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với quy mô 5.062 ha và tổng vốn đầu tư ước 187.822 tỷ đồng; 38 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô 3.525 ha và tổng vốn đầu tư ước 127.867 tỷ đồng; 40 dự án đi vào hoạt động với quy mô 1.117 ha và tổng vốn đầu tư ước 11.707 tỷ đồng.

Bãi Mến - Quần đảo Nam Du - Kiên Hải
Nhìn chung hoạt động du lịch ngày càng được cả xã hội quan tâm, trong đó Du lịch Kiên Giang đã có những đổi mới, tiếp tục phát triển khá nhanh, lượng khách quốc tế đến cũng như khách du lịch nội địa ngày càng tăng; đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác lập quy hoạch, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển du lịch được quan tâm, tích cực phối hợp thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kết cấu hạ tầng thiết yếu cho phát triển du lịch được quan tâm đầu tư; cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; năng lực vận tải đến các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Sự cố gắng của các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đã đầu tư xây dựng tạo thêm nhiều sản phẩm mới; sự phối hợp của các ngành, các cấp, chính quyền và nhân dân các địa phương trong quản lý hoạt động du lịch. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đang phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sản phẩm du lịch được đầu tư mới, tạo thêm sức hấp dẫn đối với du khách. Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch được chú trọng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch dần được nâng lên. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; hoạt động thanh tra, kiểm tra đã kịp thời nhắc nhở và xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần tích cực vào việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh du lịch; sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong quản lý các hoạt động du lịch chặt chẽ và có hiệu quả hơn.
Từ nay đến cuối năm, tình hình kinh tế trong nước, khu vực và quốc tế vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn thách thức; sự biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của thời tiết, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi du lịch chung của du khách.

Bãi Khem - Phú Quốc
Trước tình hình đó, ngành Du lịch sẽ nỗ lực tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện, phối hợp chặt chẻ với các ngành, địa phương và doanh nghiệp du lịch tổ chức thành công các sự kiện, lễ hội để thu hút khách; phát triển các loại hình dịch vụ du lịch khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch tiêu biểu tại các vùng du lịch trọng điểm trong tỉnh.
Phấn đấu đến cuối năm 2019, du lịch Kiên Giang đón 8,7 triệu lượt khách, tăng 13,5% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 700 ngàn lượt, tăng 17,3% so với cùng kỳ; doanh thu đạt trên 8.200 tỷ đồng, tăng 30,1% so với năm 2018.