Tại hội nghị, UBND tỉnh Kiên Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 18 DN với 20 dự án, tổng vốn hơn 43.350 tỷ đồng. Ngoài ra, 25 DN ký cam kết đầu tư vào 35 dự án tại địa phương, với tổng vốn hơn 150 nghìn tỷ đồng, trong đó nhiều dự án có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng với 5 điểm. Thứ nhất, Kiên Giang đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng trong thẩm định, xem xét các thủ tục, quy trình, tài chính của nhà đầu tư. Thứ hai, các doanh nghiệp đầu tư vào nhiều lĩnh vực, từ giáo dục và đào tạo đến nông nghiệp chất lượng cao và du lịch, bất động sản, công nghiệp chế biến… Thứ ba, bên cạnh các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhiều nhà đầu tư trong nước, kể cả nhà đầu tư tại Kiên Giang tham gia. Thứ tư, không chỉ tập trung đầu tư ở Phú Quốc, nhiều nhà đầu tư đã coi Hà Tiên, Rạch Giá là nơi có nhiều tiềm năng. Thứ năm, có các nhà đầu tư lớn, "sếu đầu đàn" đầu tư vào Kiên Giang như: FLC, Minh Phú, Vietjet… và cũng có nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi khác tham gia. Vùng đất Kiên Giang đang thay da đổi thịt hằng ngày, mang trong mình khát vọng trở thành tỉnh giàu mạnh toàn diện, đóng vai trò quan trọng trong tổng thể chiến lược kinh tế biển của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm tại hội nghị. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)
Thủ tướng cho rằng, vùng đất Kiên Giang xưa là nơi "ghe thuyền xuôi ngược, bán buôn dập dìu", nay không chỉ có đảo ngọc Phú Quốc mà rộng hơn, Kiên Giang hoàn toàn có thể trở thành hòn ngọc hấp dẫn du khách và nhà đầu tư trên toàn thế giới. Với những tiềm năng sẵn có, kinh tế của tỉnh có thể phát triển dựa vào ba trụ cột, gồm: nông nghiệp chất lượng cao thích ứng biến đổi khí hậu, thủy sản sạch gắn với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Trong đó, kinh tế biển sẽ giữ vai trò động lực tăng trưởng chính, cùng với kinh tế cửa khẩu và sự phát triển bứt phá của Phú Quốc. Thủ tướng đưa ra một tầm nhìn cho Kiên Giang trở thành một trong những tỉnh Tây Nam Bộ năng động, đổi mới và giàu có của cả nước dựa trên những lợi thế so sánh tự nhiên, nền kinh tế hướng biển; phát huy tốt nhất mọi tinh hoa của miền đất có nguồn tài nguyên nông nghiệp đặc sắc, một không gian trải nghiệm du lịch nhiệt đới độc đáo, đẳng cấp quốc tế, hướng tới phát triển du lịch bền vững và bao trùm.
Thủ tướng nhấn mạnh, Kiên Giang cần có chiến lược, bước đi để hội nhập sâu rộng vào các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam là thành viên, phát huy các thế mạnh về nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch… để phát triển bứt phá. Ðối với nhà đầu tư, Thủ tướng nhắc lại thông điệp: "Các nhà đầu tư phải lời nói đi đôi với việc làm, làm phải đến nơi đến chốn, làm nhanh, không nói cái không làm được. Chúng ta cần số ít những nhà đầu tư có tiềm lực, chứ không cần nhiều nhà đầu tư kém năng lực". DN cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững ở địa phương, đề cao ý thức bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và cộng đồng dân cư địa phương. Ðồng thời, không nên xem hội nghị xúc tiến đầu tư là cơ hội để quảng bá cho DN mà phải tiến hành triển khai công tác đầu tư và những điều đã cam kết ngay sau khi hội nghị kết thúc. Về phần Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo thành công chính phủ điện tử, nền kinh tế số ở Việt Nam, tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư; phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Kiên Giang… Chính phủ tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đồng Việt Nam, tiếp tục mở cửa bầu trời, bảo đảm quyền lợi, quyền, quyền tài sản cho nhà đầu tư; cam kết đồng hành cùng các địa phương, cùng tháo các nút thắt mà các địa phương đang gặp phải, xem đó là trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành…
★ Chiều cùng ngày, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Kiên Giang.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã có 13 kiến nghị, đề xuất với chính phủ và các bộ, ngành. Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành nêu ý kiến, phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng, ngoài những ưu điểm, tiến bộ, Kiên Giang còn có nhiều nguy cơ cần chú ý. Trong các giải pháp lãnh đạo phát triển cần chú ý đến tiềm năng, triển vọng có thể phát triển; quan tâm đến những mô hình phát triển mới, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, giữ và phát triển rừng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Ðặc biệt, Kiên Giang cần làm tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, tích cực phấn đấu đến năm 2020 tự cân đối về ngân sách.
Với những kiến nghị của tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng ủng hộ việc thành lập thành phố Phú Quốc, thành lập huyện đảo Thổ Châu; quy hoạch Phú Quốc thành đơn vị đặc biệt và một số kiến nghị khác. Theo đó, giao các bộ, ngành trung ương cùng với Kiên Giang xem xét về hành lang pháp lý và các bước chuẩn bị để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và sớm trình Bộ Chính trị một số công việc.
★ Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ đón nhận và trao Huân chương Ðộc lập hạng nhất tặng nhân dân và cán bộ tỉnh Kiên Giang; dự lễ khởi động dự án Khu đô thị Phú Cường Hoàng Gia, do Công ty cổ phần Ðầu tư Phú Cường Kiên Giang làm chủ đầu tư tại TP Rạch Giá. Ðây là dự án lấn biển có quy mô 68,68 ha, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng.
Nguồn (https://www.nhandan.com.vn)