Du lịch cộng đồng - Kinh doanh du lịch gắn liền với đặc trưng địa phương

Thứ năm, 16 Tháng 4 2020
Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung, thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương (phong cảnh, văn hoá…) sống tại đó trong một khoảng thời gian nhất định.
Hiện nay DLCĐ đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. DLCĐ không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Việt Nam có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình DLCĐ.
 
 
 
Nhà nghỉ theo phong cách du lịch cộng đồng ở Nam Du - Kiên Giang

Hình thức của du lịch cộng đồng
Các loại hình du lịch sau đây phù hợp với DLCĐ bởi chúng được sở hữu và quản lý bởi cộng đồng: Du lịch sinh thái; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch làng; du lịch dân tộc hay bản địa và du lịch văn hóa. Ngoài ra, việc thúc đẩy nghệ thuật và hàng thủ công địa phương có thể là một thành phần quan trọng trong các dự án DLCĐ và trong các hình thức chủ đạo của ngành du lịch.
1) DLCĐ đảm bảo văn hoá, thiên nhiên bền vững. Du lịch cân bằng với các tiêu chuẩn kinh tế, văn hoá xã hội, môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hoá được khai thác hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan, bảo tồn được môi trường văn hoá. 
2) Cộng đồng là chủ thể quản lý sản phẩm du lịch, có phong cách và lối sống riêng cần được tôn trọng.
3) Thu nhập từ DLCĐ sẽ giữ lại cho cộng đồng, thu lợi nhuận, lợi ích kinh tế trực tiếp để tái đầu tư cho địa phương ngoài hỗ trợ của Chính phủ.
4) Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hoá cộng đồng, chống các trào lưu du nhập.
5) DLCĐ do cộng đồng tổ chức quản lý, thúc đẩy, tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia nhiệt tình vào phát triển du lịch, được trao quyền làm chủ, thực hiện các dịch vụ và quản lý phát triển du lịch.
6) DLCĐ được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, cơ quan nhà nước như: Hỗ trợ kinh nghiệm, vốn đầu tư, cơ sở vật chất và ưu tiên về các chính sách cho cộng đồng trong việc phát triển du lịch, phát triển cộng đồng.
Xúc tiến du lịch cộng đồng ở Kiên Giang
Những năm qua, du lịch cộng đồng ở Kiên Giang đang phát triển trên các xã đảo, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang đang có kế hoạch hỗ trợ các đơn vị có ý định thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, nhằm giúp người dân được tiếp cận và nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương về phát triển du lịch cộng đồng gắn với các tiêu chí xây dựng, hiểu rõ về lợi ích của việc phát triển du lịch cộng đồng./.
Chí Công