Để khai thác được tiềm năng, cơ hội tại thị trường EU trong bối cảnh thực thi EVFTA, hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam cần phải có kế hoạch cụ thể cho những mục tiêu ưu tiên trước mắt cũng như lợi ích dài hạn, gắn với đổi mới cách tiếp cận và phương thức triển khai để đảm bảo nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, để làm được điều đó, theo Cục Xúc tiến thương mại-Bộ Công thương trong thời gian tới cần phải xây dựng phương án, kịch bản hợp lý cho những vấn đề đặt ra trong đó: Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì khi EVFTA được thực thi để khai thác cơ hội xúc tiến thương mại trên thị trường EU?
EVFTA có hiệu lực sẽ đem lại cả cơ hội đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cũng như thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thách thức là sự cạnh tranh trên thị trường hàng hóa và dịch vụ sẽ khốc liệt hơn ngay cả thị trường nội địa do đó các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu như nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, để tận dụng hiệu quả các cơ hội mà EVFTA mang lại. Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh bài bản vào thị trường EU.
Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu vào EU là DNVVN với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D ( nghiên cứu và phát triển), chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu…thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU.
Để công tác xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao và mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thì ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, về phần mình các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu thông tin về thị trường EU đến đầu tư phát triển sản phẩm đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và quy định về hàng hóa nhập khẩu của EU cũng như chuẩn bị kỹ kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu…
Tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu, phải coi đây là mục tiêu hàng đầu. Cùng với việc nâng cao chất lượng là cải thiện năng suất để giảm giá thành, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, quan tâm phát triển thương hiệu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc phối hợp với tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại đảm bảo hoạt động xúc tiến thương mại sát thực, khả thi, hiệu quả. Chủ động, quyết tâm, mạnh dạn đầu tư kinh phí cho xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác xúc tiến thương mại nhằm chuyên nghiệp hóa năng lực thực thi và tối đa hóa hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại./.
Tòng Mẫn