Với mục tiêu xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đêm đặc sắc, đa dạng, đồng bộ, chất lượng trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch đêm ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và khách du lịch nhằm thúc đẩy Du lịch Việt Nam phát triển, góp phần đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Về định hướng phát triển, Đề án xác định phát triển sản phẩm du lịch đêm với nhiều hình thức như: khu tổ hợp vui chơi giải trí đêm riêng biệt, chợ đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, tham quan trải nghiệm của du khách về đêm...với 5 mô hình cơ bản như sau:
(1) Mô hình sản phẩm du lịch kết hợp giải trí đêm: Phát triển, đa dạng hóa các loại hình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch vào ban đêm; xác định một số sự kiện văn hóa như lễ hội âm nhạc, lễ hội ánh sáng, lễ hội pháo hoa, thời trang (áo dài), liên hoan phim, nghệ thuật đương đại hướng đến tổ chức định kỳ tại các trung tâm, tổ hợp giải trí hoặc tuyến phố đi bộ, khu vực bờ sông, hồ...; tạo điều kiện cho các rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, bar, cafe, karaoke hoạt động và phát triển; thí điểm ở một số địa phương cho phép người Việt Nam được tham gia hoạt động Casino.

Grand Word Phú Quốc - hình ảnh minh họa
(2) Mô hình sản phẩm du lịch kết hợp ẩm thực: hình thành không gian ẩm thực hấp dẫn với những món ăn là đặc sản vùng miền, hình thành các phố ẩm thực, chợ hải sản, các nhà hàng ẩm thực ven và trên hồ, ven sông, ven biển. Tổ chức các Festival ẩm thực; các cuộc thi vua đầu bếp; các sự kiện giúp du khách trải nghiệm sâu sắc hơn ẩm thực địa phương thông qua hoạt động nấu ăn, làm bánh, pha chế đồ uống, cắm hoa.
(3) Mô hình sản phẩm du lịch kết hợp mua sắm: hình thành các trung tâm thương mại, trung tâm hàng miễn thuế quy mô lớn và các chợ đêm mang bản sắc vùng miền, phát triển các sản phẩm OCOP; các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, quà lưu niệm; tổ chức các hội thi sáng tác quà lưu niệm, tổ chức các hoạt động dành cho khách du lịch trải nghiệm, chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ, mây tre đan truyền thống...
(4) Mô hình sản phẩm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe: hình thành các khu chăm sóc sức khỏe như massage, xông hơi, tắm lá thuốc; các trung tâm thẩm mỹ, làm đẹp; các trung tâm thể thao, các sân golf. Tổ chức các festival thể thao, các giải đấu thể thao về đêm như: đua ngựa, chạy bộ, thả đèn trời, bơi, bơi thuyền, giải golf, thể thao bãi biển...
(5) Mô hình sản phẩm du lịch trải nghiệm tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, danh lam, thắng cảnh về đêm: tổ chức dịch vụ tham quan vào ban đêm tại các bảo tàng, điểm văn hóa lịch sử, khu điểm du lịch. Đa dạng hóa các tour tham quan về đêm: tour du thuyền trên sông, hồ; tour tham quan thưởng ngoạn thành phố bằng xe điện, xe đạp, xích lô; tour tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa, các công trình nghệ thuật, bảo tàng về đêm.

Grand Word Phú Quốc - hình ảnh minh họa
Để tạo được sự đồng thuận và thống nhất trước khi trình Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam”.
Theo Tổng cục Du lịch Đề án đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết; có những khó khăn, thách thức, xung đột về lợi ích nhưng cũng có rất nhiều cơ hội để phát triển. Việc đầu tiên cần quan tâm đó là xác định được những loại hình dịch vụ cơ bản nào cần phát triển về đêm; cần thúc đẩy mạnh, khuyến khích, hỗ trợ về chính sách và đầu tư làm sao đảm bảo được tính bền vững, đảm bảo an toàn".
Hiện nay, kinh tế ban đêm ở nước ta mới chỉ dừng lại ở chợ đêm và phố đi bộ, cửa hàng tiện lợi mà chưa có sản phẩm giải trí đa dạng. Một số địa phương đã tổ chức hoạt động kinh tế ban đêm nhưng thiếu sản phẩm du lịch đủ sức thu hút du khách, ví dụ như không có khu thương mại mua sắm xuyên đêm…; thời gian qua, việc phát triển kinh tế ban đêm đang gặp khó khăn bởi nhiều vướng mắc về chính sách. Một số địa phương lo ngại, phát triển hoạt động kinh tế ban đêm sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Cùng với các hoạt động du lịch ban ngày, các hoạt động du lịch ban đêm và sản phẩm du lịch đêm ở nước ta trở nên khá sôi động từ nhiều năm nay tại một số đô thị và trung tâm du lịch lớn của cả nước. Các loại hình, sản phẩm du lịch đêm diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm, quán bar, cafe, rạp chiếu phim, vũ trường, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí trong và ngoài đường phố... vào ban đêm.

Grand Word Phú Quốc - hình ảnh minh họa
Mặc dù có được những kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung sản phẩm du lịch đêm còn tương đối đơn điệu, nghèo nàn, thiếu tính đặc sắc, chưa phát triển như mong muốn do các quy định bất cập về thời gian hoạt động của các dịch vụ vui chơi giải trí đêm, thiếu quy hoạch không gian riêng cho sản phẩm du lịch đêm, thiếu các cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đêm, nhận thức tư duy về phát triển sản phẩm du lịch đêm cũng còn hạn chế.
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, đẩy ngành du lịch rơi vào khủng hoảng trầm trọng với mức thiệt hại rất lớn, khiến nhiều doanh nghiệp, hãng hàng không, khách sạn, lữ hành rơi vào tình trạng rất khó khăn; hoạt động du lịch quốc tế tiếp tục bị gián đoạn chưa xác định được thời gian hoạt động trở lại bình thường, ngành Du lịch sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Phát triển sản phẩm du lịch đêm là giải pháp làm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng khả năng chi tiêu, thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa, góp phần “cứu cánh’’ cho ngành Du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”; trong đó, cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 06 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc.
Sở DLKG (Trần Linh)