
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, các hộ kinh doanh và cả du khách còn có cách nhìn khác nhau về loại hình lưu trú này; để hiểu đúng Homestay là gì, tiêu chí, tiêu chuẩn của loại hình này ra sao, việc đầu tư, kinh doanh loại hình dịch vụ này được pháp luật quy định như thế nào, xin chia sẻ một số thông tin như sau:
(1) Homestay là gì? Hiểu một cách thông thường, Homestay là loại hình dịch vụ lưu trú mà khách du lịch sẽ nghỉ, ngủ tại nhà người dân bản địa, nơi mà họ đặt chân đến nhằm giúp du khách khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa, ẩm thực….tại địa phương đó;
Homestay là loại hình du lịch lưu trú mà tại đó, khách du lịch sẽ cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân bản địa, được coi như là người nhà, được tham gia vào các công việc thường ngày cũng như các sự kiện, lễ hội tại đó. Đây là cách hữu hiệu để du khách nhanh chóng và trực tiếp hòa nhập, cảm nhận về vùng đất mà họ đang đến, chứ không đơn thuần chỉ là tham quan.

Theo cách khác, Homestay là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, tức lưu trú tại nhà dân, địa phương nơi khách đến, giúp nơi đó quảng bá văn hóa, con người và cảnh đẹp một cách chân thật và hiệu quả nhất.
Còn theo quy định tại điều 21, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch thì Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê là loại hình Nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú; khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà;
Loại hình du lịch Homestay được đánh giá là đặc biệt phù hợp với các quốc gia đa văn hóa như Việt Nam, hiện nay đang phát triển tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long …

Tại Kiên Giang, loại hình này cũng xuất hiện khá nhiều nhất là tại các vùng du lịch trọng điểm trong tỉnh, đặc biệt là tại các đảo (Phú Quốc, Lại Sơn), các quần đảo như Nam Du, Hải Tặc…Thời gian đầu, số lượng khách du lịch tìm đến trải nghiệm tại các Homestay còn ít, các hộ gia đình ở các địa phương này đã đầu tư theo đúng nghĩa của loại hình Homestay như đã nói trên. Tuy nhiên, do số lượng khách đến ngày càng tăng, sức chứa, không gian của hộ gia đình đã không còn đủ để phục vụ du khách nên “gia chủ” đã không còn giữ được đặc trưng của Homestay theo đúng nghĩa của nó. Hầu hết các Homestay đã đầu tư xây dựng thêm phòng nghỉ, cung ứng thêm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách dẫn đến các Homestay đã dần dần biến thành các Nhà nghỉ du lịch với các dãy phòng nghỉ, thậm chí là xây cao tầng với nhiều phòng nghỉ. Do đó có thể thấy rằng các Homestay ở các đảo, các địa phương hiện nay chỉ còn mỗi Biển hiệu là Homestay, còn thực tế là đang kinh doanh loại hình Nhà nghỉ du lịch;
(2) Về đặc trưng làm nên loại hình Homestay: (i) lưu trú tại đây, du khách sẽ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và tìm hiểu văn hóa địa phương; sẽ cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt với người dân bản địa, được coi như là người nhà, được tham gia vào các công việc thường ngày cũng như lễ hội tại đây. Đây là cách hữu hiệu để du khách nhanh chóng và trực tiếp hòa nhập, cảm nhận về vùng đất mà họ đang đến, chứ không đơn thuần chỉ là tham quan; (ii) kinh doanh Homestay là một phương thức hoạt động kinh doanh mà cộng đồng dân cư chính là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch, bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, đôi khi còn thực hiện luôn cả vai trò của một hướng dẫn viên du lịch - hướng dẫn du khách tìm hiểu đời sống văn hóa cũng như tinh thần, các danh lam thắng cảnh đẹp, lạ, hoang sơ mà nếu không phải người bản địa, chưa chắc người khác đã biết; (iii) Loại hình du lịch Homestay còn là cầu nối cho những mối quan hệ mới, đồng thời nếu du khách (những người thích loại hình dịch vụ này) muốn trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, nhất là khả năng giao tiếp thì Homestay chính là môi trường lí tưởng nhất; (iv) Để có thể kinh doanh loại hình du lịch Homestay, các hộ gia đình có thể chỉ cần tự cải tạo ngôi nhà của mình đáp ứng các yêu cầu thiết yếu rồi xin giấy phép kinh doanh tại chính quyền địa phương và bắt đầu đón khách. Theo đó, thông thường, mỗi gia đình có thể đón khoảng từ 10 đến 20 du khách (tùy thuộc vào quy mô) với giá dao động khoảng từ vài trăm nghìn, cũng có thể hàng triệu đồng cho một phòng (tùy quy mô, địa phương và trang thiết bị, dịch vụ…); (v) Dù chỉ dừng lại ở mức trung bình khá nhưng các dịch vụ tại Homestay đều khá đầy đủ, phục vụ các nhu cầu cá nhân như ăn uống, nghỉ ngơi một cách thoải mái, dễ chịu với giá tốt nhất.

(3) Về kinh doanh loại hình Homestay, không phải cứ có nhà, có phòng, có dịch vụ là có thể kinh doanh đón khách, muốn kinh doanh Homestay đúng quy định của pháp luật về du lịch thì tổ chức, cá nhân cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện như sau:
- Điều kiện kinh doanh đối với Homestay: (i) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; (ii) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; (iii) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
- Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với Homestay: (i) Có đèn chiếu sáng, nước sạch; (ii) Có khu vực sinh hoạt chung; có khu vực lưu trú cho khách; có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh; (iii) Có giường, đệm hoặc chiếu; có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm hoặc chiếu; thay bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới; (iv) Chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.

- Tiêu chuẩn quốc gia về Homestay: Ngày 29/12/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3990/QĐ-BKHCN về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia, trong đó có tiêu chuẩn về Homestay. Trong đó, các hộ kinh doanh loại hình lưu trú Homestay phải tham khảo các tiêu chí quy định theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7800:2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành để đầu tư, trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách./.
Sở DLKG (Trần Linh)